Chấp nhận con nghĩa là tôn trọng cá nhân, các đặc điểm, cá tính để không đàn áp tính cách của con, bắt con phải trở thành một đứa trẻ như mình mong muốn.
Có một bà mẹ hiền bảo: “Tôi thân với con lắm. Bởi vì tôi biết chấp nhận nó như chính nó có, tôi không muốn bắt con tôi trở thành cái mà cha mẹ thường muốn”. Nghe vậy, chắc nhiều người phải ngạc nhiên hỏi lại: “Vậy là chị đâu có giáo dục, đâu có dạy nó? Chị chấp nhận nó là chính nó, kể cả những khuyết điểm? Thế mà tôi lại cứ tưởng rằng làm cha mẹ phải chỉ bảo, hướng dẫn nó theo những phẩm chất phải phấn đấu. Chứ nếu cứ mặc kệ như nó vốn có thì dễ quá, khỏi phải dạy dỗ gì!”
Không phải vậy. Chấp nhận nó nghĩa là tôn trọng cá nhân, các đặc điểm, cá tính để không đàn áp tính cách của con, bắt con phải trở thành một đứa trẻ như mình mong muốn.
Một bà mẹ trẻ than: “Thằng bé nhà tôi hơi tí là nổi giận đùng đùng. Chẳng bao giờ ham thích đi học hay làm bài tập. Lười đánh răng, ngại đi tắm (dù ngày nào cũng vẫn phải thực hiện), sao trẻ con ngày nay chẳng thấy say mê điều gì tốt, chỉ say mê thứ có hại thôi, như chơi game, xem tivi suốt ngày, không biết làm việc nhà!” (không có nhiều trẻ em thành phố tự nấu nướng, giặt giũ, ủi quần áo, may ra có đứa quét nhà xong là hết việc). Sao mà đức tính tốt chỉ thấy ở con… nhà hàng xóm, nào là lễ phép, chăm chỉ. Rõ ràng có đứa trẻ chăm học bẩm sinh. Thí dụ thằng anh thì phải giục mỏi mồm, còn con em thì suốt ngày lo làm bài, còn có thì giờ vẽ vời, học đàn, học hát…
Lời kêu ca như vậy có rất nhiều. Có cả bậc cha mẹ buồn rầu, thất vọng và luôn nói câu khẳng định về tính cách con: “Nó hư lắm. Nó lười lắm. Nó láo lắm…”
Một cậu bé chín tuổi đi nghỉ hè, được theo tour ra biển câu cá. Mỗi khi có ai đó reo hò vì câu được cá, mọi người chạy đến xem và chúc mừng là cậu bé lại muốn khóc vì mình vẫn chưa câu được con nào. Trong lúc cậu khóc lóc cáu kỉnh thì mẹ cậu bực mình quát tháo: “Vô lý vừa thôi chứ. Có phải ai cũng câu được cá, vậy mà có ai khóc lóc đâu nào. Mình kém cỏi còn trách móc ai…” Thậm chí mẹ cậu còn đau khổ không hiểu vì sao con mình tệ như thế.
Tôn trọng cá nhân trẻ, muốn vậy phải hiểu biết tâm sinh lý lứa tuổi, phải hiểu vì sao con mình lại như vậy. Đừng bắt nó phải giống người khác (mà người khác đây chính là do bố mẹ tưởng tượng, mong muốn mà ra). Nhà giáo dục Hồ Ngọc Đại từng tuyên bố: “Tôn trọng cá nhân là khẩu hiệu của chúng tôi. Không một cá nhân nào có quyền làm gương cho người khác”.
Chúng ta thường nghe nói: hãy là chính mình, nhìn người để tự điều chỉnh. Vậy mà các bậc cha mẹ thường tạo ra một tấm gương, một “người mẫu” mình cho là tốt, để bắt đứa con phải trở thành. Khi nó khác với “người mẫu” mà mình mong mỏi, cha mẹ hoàn toàn thất vọng, cư xử với con như một đứa trẻ vô dụng. Nó hoàn toàn mất đi sự tự tin. Hãy chấp nhận con với tất cả điểm mạnh, điểm yếu để nâng đỡ, dìu dắt mỗi khi con gặp khó khăn. Đôi khi chỉ là yêu thương và tin tưởng ở con thôi, nó sẽ tự tìm ra giải pháp, hoặc là bước qua khủng hoảng để trở lại đời sống quân bình. Nhiều bậc cha mẹ lại nghĩ con mình là thần đồng giỏi giang. Ta thường nghe những lời tự hào về con như thế này: “Nó khôn lắm nhé, nó nói những câu như ông cụ non; nó học giỏi, thông minh…”, “Tôi chưa từng thấy đứa nào bằng tuổi ấy mà biết như thế”… Nhưng từ bộc lộ năng khiếu, thiên tính cho tới khi thành tài là một quá trình dài, có khi đầy rủi ro và thất bại, đòi hỏi rất nhiều điều kiện mà người làm cha, làm mẹ phải biết cách giúp con. Ngay cả khi nó thất bại, sai lầm cũng không được cáu giận hay ghét bỏ. Vậy mới là chấp nhận con, yêu chính bản thân nó chứ không phải vì một thứ gì khác (ngay cả khi thứ khác đó toàn là điều tốt đẹp nhưng con mình không có được).
Yêu con ai lại không mong con tốt đẹp, giỏi giang hơn người. Nhưng nếu biến ước mơ khát vọng của mình thành áp lực với con trẻ, thì con cái sẽ là nạn nhân và không thể trở thành chính nó.
Hãy chấp nhận con với tất cả điểm mạnh, điểm yếu để nâng đỡ, dìu dắt mỗi khi con gặp khó khăn. Đôi khi chỉ là yêu thương và tin tưởng ở con thôi, nó sẽ tự tìm ra giải pháp, hoặc là bước qua khủng hoảng để trở lại đời sống quân bình.
Theo SGTT
By Minh Anh