Không gây tổn hại đến sức khỏe cảm xúc của trẻ” là nguyên tắc mà cha mẹ nên ghi nhớ khi rèn giũa con cái. Phương pháp đánh đòn dù không được ủng hộ nhưng vẫn thường được người lớn sử dụng. Đó là phương án cuối cùng để “dạy” trẻ sau khi giải thích lý lẽ hay đe dọa thất bại.
Thông thường, nó không nằm trong dự định mà đến cùng với cơn thịnh nộ của cha mẹ khi đã đạt đến giới hạn của sự chịu đựng. Đánh đòn giải tỏa căng thẳng đang dồn nén của cha mẹ và khiến trẻ vâng lời trong một khoảng thời gian ngắn.
“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, dù vẫn thường nghe như vậy nhưng chúng ta không thể lờ đi những ảnh hưởng tâm lý của sự trừng phạt mặt thể chất.
Hậu quả tồi tệ nhất của sự trừng phạt về thể chất là ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ. Việc đánh đòn có thể ngăn chặn trong một thời gian ngắn, nhưng thực chất lại khiến trẻ cư xử tồi tệ hơn bởi suy nghĩ “đòn roi xóa đi tội lỗi dễ dàng”. Khi đã trả giá cho hành vi sai trái của mình, trẻ sẽ thoải mái lặp lại nó. Chúng chỉ có tác dụng trong 1 thời gian ngắn nhưng không thay đổi được hành vi sai trái của trẻ từ trong nhận thức.
Đánh đòn không chỉ gây ra những nỗi đau thể xác mà còn để lại những vết thương tinh thần, đến những rối loạn hành vi, rối loạn tinh thần, căng thẳng, muốn tự tử, tìm đến rượu bia và thuốc, tự ti, tính thù địch và những bất ổn về cảm xúc. Đối với những trẻ được dạy dỗ bằng bạo lực thường xuyên, chúng sẽ mang tâm lý oán hận và có những ký ức tồi tệ về gia đình.
Một vòng luẩn quẩn lặp lại, chúng sẽ giải quyết vấn đề bằng bạo lực như cách mà chúng đã được trải nghiệm. Nuôi dạy một đứa trẻ mà không bao giờ dùng roi vọt là điều dường như không thể. Nhưng đừng bao giờ cố ý đánh trẻ.
Trong gia đình, thay vì phạt đòn con, cha mẹ có thể áp dụng kỷ luật tích cực:
- Trò chuyện cùng con cái nhiều hơn: Bước quan trọng nhất của kỷ luật tích cực, theo nhiều chuyên gia, là tạo một quan hệ trao đổi, giao tiếp cởi mở, chân thành với trẻ từ nhỏ. Cha mẹ hãy gây dựng điều kiện phát triển trí thông minh, cảm xúc cho trẻ thông qua trò chuyện. Đây là kỹ năng giúp trẻ nhận thức vấn đề, biết cách biểu đạt cảm xúc của bản thân, giúp trẻ vượt qua thách thức và tạo các mối quan hệ thân thiết trong cuộc sống.
- Lấy đi một thứ gì đó của con: Hãy cho con biết rằng bố mẹ sẽ lấy đi một thứ gì đó yêu thích của con nếu con không ngoan, ví dụ như một món đồ chơi và chỉ trả lại nếu như con tự nhận thức được hậu quả về hành vi của mình. Nhưng đừng bao giờ lấy những điều thiết yếu như đồ ăn của trẻ.
- Cho trẻ thời gian và khoảng không gian để suy nghĩ: Khi trẻ chưa ngoan, bố mẹ hãy cho trẻ một khoảng thời gian nhất định, ngồi một mình ở một nơi yên tĩnh để suy nghĩ lại về cách cư xử của bản thân và xem mình đã làm gì sai. Bố mẹ cũng nhớ phải giải thích rõ ràng vì sao con lại phải làm như vậy cũng như con phải nghĩ về những gì trong khoảng thời gian đó và bố mẹ cảm thấy buồn như thế nào khi con cư xử như vậy. Sau khi trẻ đã suy nghĩ và nhận ra thì hãy cho mọi thứ trở về bình thường và không nhắc lại lỗi của trẻ nữa.
By Minh Anh